Ứng xử trong gia đình: Hơn nhau ở chữ tôn trọng
VHO- Trong quan hệ vợ chồng, mâu thuẫn dễ dẫn đến xung đột thường bắt nguồn từ cách phát ngôn. Không ít gia đình đổ vỡ vì người chồng hoặc vợ không chịu đựng nổi bạn đời lắm lời, thậm chí còn dùng những từ ngữ thô lỗ, mạt sát lẫn nhau.
Liên hoan “Tuyên truyền viên xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, phòng chống tệ nạn xã hội” năm 2017
Thất vọng với người bạn đời
Có rất nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn đã ôm về cho mình sự cô đơn và thất vọng trước cách ứng xử của người bạn đời. Khi yêu thì người nào cũng giành cho nhau những lời yêu có cánh dịu dàng, những cử chỉ quan tâm chu đáo, nhưng sau kết hôn, họ đã không còn giữ được sự quan tâm, chăm sóc vun đắp tình cảm nữa. Thậm chí một số người thay đổi hoàn toàn thái độ, biến thành những ông chồng, bà vợ đầy ác khẩu. Sự thô lỗ, lời nói độc địa của chồng, của vợ đã khiến người bạn đời của họ rơi vào lãnh cảm và đó là dấu hiệu cho sự tan vỡ của một số gia đình hiện nay.
Mới lấy chồng có 2 năm nhưng với chị Mai (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội), dường như những cảm xúc với chồng đã trở nên hoàn toàn nguội lạnh, chung quy là vì những thay đổi trong lời ăn, tiếng nói và ứng xử của chồng. Chị Mai chia sẻ: “Khi yêu anh ấy rất dịu dàng từ những cử chỉ rất nhỏ thôi cũng làm tôi xúc động như mở cửa xe ô tô đón tôi, xách giúp cho tôi túi đồ nặng, không bao giờ quên tặng hoa hay quà những dịp 8.3, 20.10 hoặc sinh nhật. Chưa bao giờ anh ấy nói những lời thô lỗ với tôi. Thế nhưng, khi chúng tôi thành vợ chồng, anh ấy đã thay đổi thái độ hoàn toàn, không còn tỏ ra lo lắng khi tôi về muộn mà thay vào đó là tỏ ra khó chịu bực bội khi phải vào bếp nấu cơm. Dửng dưng nhìn vợ tay xách nách mang trong khi mình tay không. Sự chia sẻ với nhau về cuộc sống, gia đình, công việc cũng ngày một xa dần...”. Điều chị Mai buồn hơn cả đó là mỗi lần bước lên chiếc xe ô tô đi cùng chồng mình, chị thường bị “tra tấn” bởi những câu nói chửi đầy thô tục mà chồng chị giành cho những người lái xe máy hoặc ô tô đi ẩu. Người bị mắng thì không nghe thấy, vợ con ở trong xe mới là người chịu trận. Những câu nói thô tục, thậm chí mạt sát nhân phẩm của người khác từ miệng chồng làm chị Mai cảm thấy ghê sợ.
Chị Mai và có không ít người phụ nữ sau khi kết hôn, người đàn ông của họ không còn ôm hôn vợ thắm thiết, không còn những nụ cười rạng rỡ khi ở bên nhau mà thay vào đó là phải nghe những câu chửi thề tục tĩu, hoặc gọi vợ là “con” hoặc xưng “mày, tao”...
Nguy cơ đổ vỡ từ... miệng
“Chồng tôi là người rất giỏi nên đòi hỏi người khác cũng phải giỏi như mình, không thì mắng chửi không tiếc lời. Nếu tôi có cự nự thì bị nói thêm, nếu tôi có nói quá thì bị chửi ngay không thương tiếc. Đối với mọi người thì tôi được nhiều người nhận xét là biết điều, biết cách sống và cư xử với gia đình và bạn bè. Vậy mà chồng tôi luôn tìm cách hạ thấp hình ảnh của tôi trước mặt mọi người bằng cách nói thể hiện sự coi thường vợ. Cuộc hôn nhân của tôi bước sang năm thứ 7 và tôi cảm giác không thể chịu đựng nổi thêm. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ tới việc trốn tránh. Tôi không muốn nói chuyện, nhưng sống chung nhà không thể thế được. Dù sao đó cũng là chồng, là bố của các con. Thế nhưng nói chuyện cũng khó vì anh là người rất định kiến, ít khi chịu nghe người khác nói gì”, chị N.H (Sơn Tây, Hà Nội) chia sẻ về cảm giác của chị về hôn nhân hiện tại của mình.
Một số phụ nữ chia sẻ rằng họ không thể chịu nổi những câu nói đầy “phũ phàng” của chồng như việc chê bai vợ xấu, mắng chửi vợ trước mặt người thân, thậm chí mạt vợ là “não cá vàng”... Những câu nói chê bai, miệt thị ấy đã đi theo suốt dọc hôn nhân của nhiều người phụ nữ. Người thì chấp nhận vì cho rằng trong cơn bực tức thì nói cho sướng mồm, chứ thật ra là không nghĩ như vậy. Tuy nhiên, cũng có những người phụ nữ đã không thể chịu đựng được dẫn đến “tức nước vỡ bờ” bỏ đi tất cả. Việc nói cho sướng miệng mà không cần biết tới cảm giác của người đối diện không chỉ xảy ra với đàn ông mà ngay cả một số người phụ nữ khi nóng giận cũng chửi bới, xưng hô “mày, tao” với chồng mình... Tất cả những điều này đã làm cho văn hóa ứng xử của nhiều gia đình rơi xuống bờ vực thẳm, khi bản thân mỗi người đã không tự đúc rút ra cho mình những bài học trong ứng xử, biết “kiệm lời” để thể hiện sự tôn trọng mình, tôn trọng vợ hoặc chồng mình.
Bà Ngô Thúy Lan, Phó Chủ tịch UBND Phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội nhận định: “Vợ chồng sống chung một thời gian chắc chắn sẽ có va chạm, quan trọng là mình phải biết cách điều tiết. “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, đừng để mang họa vì những câu nói không biết kiềm chế lúc nóng giận. Ông bà mình dạy: “Lời ngọt lọt tới xương”, nhưng muốn nói cho ngọt để đạt kết quả là cả một nghệ thuật cần phải học tập, rèn luyện. Vợ chồng phải tôn trọng nhau, cư xử tế nhị, không được to tiếng trước mặt con cái. Phải hiểu nhau để cùng góp ý, sửa chữa. Muốn sống chung lâu dài thì phải độ lượng, vị tha, chấp nhận nhau”.
TRỌNG HOÀNG